Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013



CHUYÊN ĐỀ NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT


Bài làm:
MÔ HÌNH NGHỆ THUẬT
BÀI THƠ “NGẬM NGÙI” CỦA HUY CẬN

Chiều, chính nó là một giao điểm của thời gian, là một dấu hiệu báo cho chúng ta biết rằng một ngày đang dần đi qua. Vạn vật cũng biến đổi theo và mang sắc thái riêng của nó khi trời chiều. Buổi chiều, cũng là thời gian đẹp nhất, lý tưởng nhất cho con người với những cuộc gặp gỡ, hẹn hò, tâm sự,... và cũng có những buổi chiều, con người lại bật lên nội tâm phong phú, êm đềm, hòa nhập cùng thiên nhiên, cây cỏ để dệt đan những lời ru ngọt ngào, đằm thắm cho giấc ngủ, mộng đời... của hiện tại, tương lai.... Chúng ta sẽ bắt gặp những cảm xúc rạt rào, đầy trữ tình nhưng không thiếu vắng cái buồn tênh trong bài thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận.

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

I. MÔ HÌNH CHI TIẾT

Mã ngôn ngữ
Nội dung biểu đạt
Ý nghĩa bao trùm
-      Nắng chiều chia nửa bãi, vườn hoang trinh nữ, lá rầu, nhện giăng sợi nhanh.
-      Em ngủ – anh “hầu” quạt.
-      Sự vận động của vạn vật báo hiệu một ngày đang dần đi qua trong sự buồn tẻ.
-      Lời vỗ về, yêu thương tha thiết, êm đềm, nhẹ như lời ru.
Bức tranh miêu tả đôi trai gái đang bên nhau, vỗ về nhau trong một buổi chiều thu đẹp nhưng buồn.
-      Lòng anh mở với chiếc quạt.
-      Chim mộng về, mộng bình thường.
-      Ru em, tiếng thùy dương mấy bờ.
Tấm lòng rộng mở của chàng trai và giấc mộng đẹp đến với đôi bạn trẻ. Đó là mộng của tuổi trẻ và tình yêu đang hòa vào lời ru nhẹ nhàng và êm ái của tiếng thùy dương.
Những cơn mộng trong giấc ngủ đến và hé mở ra một chân trời hi vọng về hạnh phúc tương lai.
-      Cây dài, bóng xế
-      Hồn em – đã chín mấy mùa thương đau.
-      Tay anh – em tựa, anh nghe nặng – trái sầu rụng rơi.
-      Thời gian trôi nhanh về cuối ngày.
-      Khúc hát não lòng bật ra từ suy nghĩ, cảm nhận của chàng trai.
-      Vì tình yêu, chàng trai sẵn sàng bên cạnh, chấp nhận tha thứ tất cả cho người con gái.
Hai người trở về với thực tại buồn đau, sầu muộn của tình yêu. Tấm lòng cao thượng của chàng trai là chìa khóa cho tình yêu. Nhưng đi kèm nó là một nỗi xót xa, ngậm ngùi.

II. THUYẾT TRÌNH MÔ HÌNH
Mở đầu bài thơ là cảnh một buổi chiều khi mà “nắng đã chia nửa bãi” và “tơ nhện đã giăng mau”. Cái cách cảm nhận của Huy Cận về buổi chiều thật là lạ vì sự xuất hiên ấy trong ánh nhìn thật riêng nhất, mang đầy tính hiện thực. Chân dung của thiên nhiên như đang lồng vào cảm xúc của con người. Mọi người đều nói đây là một buổi chiều thu “vì chỉ có chiều thu mới đẹp, buồn và diễn ra mau lẹ đến thế” (Phạm Văn Chữ).
Chiều đã đến! Chiều mang đến cho tác giả một cái buồn bã như dấu chấm than! Bởi vì, sắp qua hết một ngày, qua rồi những dư âm, hình bóng, một cuộc gặp gỡ, những giây phút vui vầy, hạnh phúc... Những phút giây đẹp hết sức đời thường. Do đo con người trong mỗi chúng ta ai cũng phải đặt mình trong cái tâm thế vừa buồn, vừa tiếc cái chợt đến, chợt đi, dùng dằng,... chợt mất... của ngày, rồi ngày tiếp nối...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau...
Nghĩ lại, không phải chỉ có con người mà cái buồn vẫn không buông tha, tạm biệt mà ngay cả "cỏ cây, hoa lá, con nhện" cũng đang đói điên cái điều tàn lụi đang đến. Thiên nhiên cũng biết trốn chạy điều buồn bã, tự nó, "Vườn cũng biết xếp lá và nhện giăng mau sợi buồn..." Cái hay của Huy Cận đã hòa nhập mình cùng với thiên nhiên đồng cảm với nhau trong cái ưu trầm, sâu kín của đời, cất lên tiếng nhỏ nhẹ với tiếng buồn... như thế!
Đọc hai câu thơ, ta bắt gặp một hình ảnh rất lạ: “lá rầu”. Cũng bắt nguồn từ sự buồn bã... nhưng Huy Cận rất khéo léo trong việc cấu âm, tạo từ, cắt tỉa cho đẹp chiếc "lá rầu". "Lá rầu" đọc lên nghe hay lắm chứ! Nó não ruột hơn, đặt chiếc lá rầu trong chiều buồn vẫn hay hơn, chiều vẫn mênh mang, mênh mang hơn. Và trong phong cảnh ấy, lời thơ của Huy Cận có lúc như là lời vỗ về, đầy thương yêu tha thiết, êm đềm, nhè nhẹ như một lời ru:
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Khung cảnh của buổi chiều thu ấy sao mà vừa đẹp, lại vừa buồn đến như thế? Khung cảnh nên thơ ấy thật hợp cho đôi bạn trẻ tâm tình, hò hẹn. Họ say đắm bên nhau, vỗ về nhau và cùng đưa nhau vào giấc ngủ. Lời ru, không phải còn là của riêng con người nữa mà nó còn là của tiếng thùy dương (một loại cây cao lá lúc nào cũng rủ xuống) ở mấy bờ đang vọng lại. Họ say trong giấc ngủ và những cơn mộng đến:
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Những cơn mộng ấy, là mộng của tuổi trẻ và tình yêu. Mà mộng của những người đang yêu bao giờ cũng là mộng đẹp, nó hé mở cả chân trời hi vọng về hạnh phúc tương lai.
Khi Phạm Văn Chữ bình bài thơ “Ngậm ngùi”, đã có xúc cảm về những câu thơ cuối bài như sau : “…nếu như bài thơ dừng lại ở câu thứ tám sau dấu chấm lửng hoặc dẫn cảm xúc theo một chiều hướng khác. Bởi vì ngoại cảnh dù có hiu hắt, buồn vắng mà anh và em có nhau thì tình yêu vẫn thắng át đi tất cả. Nhưng không, khúc ru buồn sầu não đã cất lên từ bốn câu cuối bài” đã như chứng tỏ được sự dồn nén của bài thơ. Khi mà cây dài ra theo hình của bóng xế, thời gian còn lại của ngày rất ít ỏi, nó trôi thật nhanh như chẳng gì có thể ngăn lại được. Chính điều đó đã là cho con người cảm thấy ngẩn ngơ, nuối tiếc với những gì đang diễn ra.
Chàng ru cho nàng ngủ, tưởng chừng như sẽ  được cùng nàng trải nghiệm hết những giấc mộng thì bất chợt tỉnh giấc. Thực tại của thiên nhiên đưa con người về với thực tại cuộc sống, tình yêu của họ. Chàng cảm nhận được cái buồn bã của buổi chiều tàn ấy, xót xa khi cảm nhận tình yêu mà mình đang có và cất lên lời ru:
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau.
Tại sao nói về hồn em nhưng lại biểu hiện nó bằng từ “chín”? Hơn nữa lại chín tới mấy mùa “thương đau”?  Hỏi về hồn em nhưng cũng là để nói cho hồn anh, hồn chúng ta đấy. Tuổi xuân đôi mươi mà cõi hồn trải lắm nỗi thương đau đến thế thì hỏi còn gì là hương hoa, là ý nghĩa cuộc đời? Bởi vậy mà câu thơ kết bài cứ trĩu nặng lòng người:
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
Ý tưởng vả triết lí thơ đã dồn nén tất cả vào đây. Thì ra, ở chốn nhân gian này chỉ có buồn rầu và đau khổ! Nhà thơ đã khéo xếp đặt vào câu chuyện tình cả ba dạng thức tồn tại của mỗi sinh thể người: tỉnh thức, ngủ, và mộng. Một sự kết hợp thật hoàn hảo trong tính chỉnh thể hình tượng. Đó là cái cớ để bác lại người đời nông cạn, cứ cho rằng: tình yêu và tuổi trẻ là điều huyền diệu nhất, hạnh phúc nhất; tình yêu là vĩnh hằng và bất tử. Xin đừng ảo tưởng. Thì đây, người ta tỉnh và yêu: sầu; ngủ và yêu: sầu; đến mộng và yêu: cũng sầu!... Tất cả đều không thoát ra khỏi cái vòng kim của một chữ “sầu”.
Có thật không  “một trái sầu rụng rơi...?” Có lẽ câu trả lời sẽ là: “Có”. Bởi câu trên, tác giả đã thấy trong một cái nền buồn bã, “hồn em đã chín mấy mùa...” rồi. Cho dù đã chín mấy mùa đi chăng nữa thì chàng vẫn luôn yêu thương nàng. Phải chăng cái “trái sầu” ấy là ý tưởng của tác giả khi quay hướng cho mối băn khoăn về cuộc sống, nỗi e ngại cho điều nhận biết, linh cảm về một nỗi cách xa, lời chia lìa, tiễn biệt... hay không? Đọc câu thơ mà cảm thấy xót xa, ngậm ngùi cho cuộc tình này.
Các nhà thơ lãng mạn đương thời cũng đã nói đến nỗi đau thân phận con người. Nhưng Huy Cận là người quan tâm nhiều nhất, viết ra bằng nhiệt hứng dồi dào nhất. Ông luôn tìm tứ thơ và đặt cảm hứng vào mối tương quan giữa cái hữu hạn của cuộc đời với cái vô cùng vô tận, cái mênh mông rợn ngợp của không gian lẫn thời gian. Cảm thức thường xuyên thường trực về nỗi sầu nhân gian đã tạo cho thơ ông có một vùng thẩm mĩ riêng không ai có được. Và Ngậm ngùi” đã thẩm mỹ hoá nỗi sầu nhân gian ấy, xứng tầm tiêu biểu cho mảng thơ này. 
“Ngậm ngùi" được sáng tác vào năm 1939, có mặt trong Lửa thiêng”, tập thơ đầu của nhà thơ Huy Cận (1919- 2005), xuất bản năm 1940. “Ngậm ngùi” luôn được đưa vào các tuyển tập thơ, nhất là thơ tình. Phạm Duy, một nhạc sĩ trứ danh thời tiền chiến, đã phổ nhạc Ngậm ngùi” từ năm 1961. Có thể nói, “Ngậm ngùi” là một bài thơ sầu, một bài thơ tình bất hủ. Trong sự nghiệp thơ của Huy Cận, nếu Tràng giang” đứng ở vị trí thứ nhất thì Ngậm ngùi” phải được đứng ở vị trí thứ hai, liền ngay sau đó.


Không có nhận xét nào: